Tiếp viên chuyển hàng về Việt Nam.

 Lê là một phụ nữ Việt Nam, cô ở gần sân bay Franfurtkt. Một lần cô đến Berlin xem ca nhạc, có mua vé mời tôi và đổi lại tôi tặng cô cuốn sách Từ Phất Lộc Đến Weimnar. Buổi ca nhạc hôm đó có nhiều ngôi sao nổi tiếng của trung tâm Thuý Nga kết hợp với một số ca sĩ nổi tiếng trong nước, giá vé b 100 euro cháy sạch. Giá nhượng lại nhau lên đến 150 euro, có lúc 200 euro.

Tôi tặng cô cuốn sách và từ chối nhận vé, cô biết tính tôi, nên bán vé đó đi và gửi lại cho tôi 150 euro tiền bán vé để tôi làm từ thiện.

Năm đó tôi có việc ở gần nhà cô, trụ sở của Văn Bút Đức ngay đó, tôi đang ở trong chương trình học bổng do họ cấp, thỉnh thoảng họ tổ chức những người nhận học bổng gặp nhau.  Lê mời tôi về nhà cô chơi.

Chồng cô là kỹ sư tin học,  Lê ở nhà chăm con và nội trợ.

Nhưng cô vẫn có công việc làm ở nhà, thu nhập cũng khá và ổn định.

Sáng dậy, tôi ra khỏi phòng thấy cô đang ngồi xếp rau, củ, quả vào hai trước vali loại to. Nào thì táo, mận, lê, củ cải đỏ, rau chân vịt, bí, cần tây....thấy lạ quá, tôi hỏi sao lại làm thế.

Cô nói đây là hàng gửi về Việt Nam.

Tôi còn lạ hơn, sao lại gửi những thứ này về Việt Nam mà không gửi gì giá trị.

Cô bảo có một cửa hàng nhỏ của mẹ cô ở Việt Nam bán đồ rau củ quả của Đức,  cô đóng hai vali như này gửi về Việt Nam. Có một tốp phi công quen lâu, cô đóng xong mang ra chỗ ở tạm của họ đưa, họ đưa lại hai vali trống  và lần sau cũng như thế. Những phi công ấy mỗi chuyến như này chỉ được 200 euro.

Tôi hỏi sao họ không nhận đồ có giá trị?  Lê nói họ nhận như này đều đặn, yên tâm, không phải kiểm tra gì. Sau chuyến bay mười mấy tiếng đã mệt, lại còn trái múi giờ, họ tranh thủ nghỉ ngơi. Chỉ việc nhận đưa lên máy bay, về nhà cô đến tận nơi lấy, ít nhưng mà bền, không phải lo lắng gì với hải quan.

Tôi hỏi nếu tôi gửi đồng hồ có được không. Cô bảo tôi gửi thì được, nhưng đồng hồ phải tính theo phần trăm giá trị. Nói chung những phi công mà cô quen, họ chẳng mặn mà gì lắm với những đồ hàng hiệu, nếu cô gửi thì nể quá họ nhận chứ không phải vì tiền.

Chuyển hộ hàng về Việt Nam là nguồn thu nhập mà phi công lẫn tiếp viên nào khi ra nước ngoài đều muốn làm, đến cả phi công cũng nhận rau củ quả thì hẳn các bạn biết họ rất sẵn sàng làm thêm kiếm thu nhập.

Ở Đức, Pháp nơi thường có chuyến bay của Việt Nam đến. Những dịch vụ tập kết hàng cho tiếp viên, phi công chuyển về rất sẵn. Bạn có thể gửi đồng hồ, túi xách, kính, váy hàng hiệu cao cấp cho dịch vụ. Họ sẽ kiểm tra và giao lại cho tiếp viên, phi công. 

Không bênh vực gì tiếp viên và phi công, nhưng thành thật mà nói họ, không có thời gian kiểm hàng. Thường họ đặt niềm tin vào dịch vụ tiếp nhận, người làm dịch vụ hay người giới thiệu là người có niềm tin.

Trong vụ 4 tiếp viên mang hàng cấm về vừa qua, có điều khó hiểu là cả 4 khai nhận mang hộ của một người không rõ danh tính. Chắc chắn họ biết rõ người đó là ai. Nếu họ nhất loạt chỉ khai vậy, rõ ràng họ là những người vận chuyển hàng cấm chuyên nghiệp. Nhưng tôi nghĩ họ đã thành khẩn khai nhận rõ ai là người giao hàng, vì kẻ giao hàng ngoài tầm với của công an Việt Nam, công an sẽ không tiết lộ và chỉ đưa thông tin là người không rõ lai lịch.

Đương nhiên đây không phải lần đầu họ xách hàng cấm về. Công an đã theo dõi từ nơi bán ở Việt Nam và lần ngược lại phương thức chuyển hàng về.

Với cảm nhận của mình, tôi nghĩ mấy tiếp viên kia không biết những tuýp thuốc đánh răng đó chứa hàng cấm. Lợi nhuận của món hàng này rất cao, các đối tượng buôn bán thừa khả năng chịu chi, gửi 5 đến 7 lần tuýp đánh răng thật để tạo niềm tin, rồi cài một lần có chứa hàng cấm. Nếu trót lọt rồi, lần sau họ vẫn gửi đều đặn mấy chuyến toàn tuýp đánh răng thật, sau đó lại có chuyến chứa hàng cấm.

Cơ sở nhận dịch vụ cũng có thể chủ quan, họ thấy khách nói nhà có cửa hàng, gửi cho nhà bán, kiểm tra đến 5, 7 lần không sao, họ yên tâm nghĩ cũng như trường hợp nhà Alisa Lê. Người ta gửi về cho nhà bán, dù chẳng được nhiều nhưng mà bền và yên tâm vì mặt hàng không có gì đáng để hải quan làm khó. Lợi nhuận của những kẻ chủ mưu buôn hàng cấm rất lớn, cho nên chúng có gửi 20 lần chỉ có một lần có hàng cấm cũng chẳng ảnh hưởng gì.

Hành vi của 4 tiếp viên là vô tình hay cố ý sẽ phụ thuộc vào kết luận của cơ quan điều tra. 

Ở Việt Nam thì công an kết luận điều tra hướng đến tội gì, khung gì thì Viện và Toà cứ thế làm theo cho đúng hướng.

Có lúc không phải ác ý hay muốn lập thành tích, nhưng do tình hình an ninh, xã hội mà cơ quan điều tra cần phải làm để nêu gương cho những kẻ khác sợ mà không dám làm gì.

Ví dụ như ke, lắc đang là tệ nạn gây bức xúc dư luận. Lãnh đạo cấp cao chỉ thị phải triệt để ngăn chặn, cơ quan công an bắt nhiều nhưng không giảm được nguồn cung cấp. Nếu ai cũng chủ quan, vô tình cứ nhận chuyển hàng bừa mà kết luận xử nhẹ cho họ, thì sẽ khiến những người khác chủ quan, cứ mình không biết là không có tội, dẫn đến khó khăn trong việc ngăn chặn.

Thế nên cần điển hình xử nặng làm gương, khiến cho người khác sợ mà tuyệt đối phải cẩn thận, sợ đến mức không dám nhận chuyển hộ gì thì càng tốt.

Điều khó khăn trong việc chống hàng cấm này, là do các nước châu Âu họ lại không coi những thứ này vào khung đặc biệt như ở Việt Nam. Ke, lắc, đá không được liệt vào danh sách như Hê, Cô. Cho nên cơ quan phụ trách danh mục này có khi thuộc về thuế vụ !!! Bất quá xử vài năm tù, chấp hành tốt có khi ngày được ra ngoài làm, đêm về trại tù, hết nửa án thì được thả.

Lại có một điều rất cắc cớ, là ở các nước nào không có án t.ử hình về tội danh này, nếu bị dẫn giải về Việt Nam xử vào khả năng bị t.ử hình. Những kẻ buôn bán sẽ được ở lại và không bị trục xuất về VN ( trong khi phạm tội trộm cắp, lao động lậu, đánh nhau, ở bất hợp pháp lại dễ dàng bị dẫn giải về)

Người VN không sợ ch.ết như các nước văn minh ( lý giải điều này chắc phải mất đến mấy bài, chắc tương đương tầm làm luận án tiến sĩ). Cho đến nay xử t.ử hình vô số kẻ buôn m.t nhưng tính răn đe không cao vì các đối tượng bất cần hay bất chấp.

Có lẽ VN nên xoá bỏ khung này, chuyển sang khung 50 năm không giảm, để phù hợp trao đổi với các nước phương Tây, thuận tiện cho việc dẫn độ.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Khi doanh nhân nói lời vĩnh biệt.

Cộng sản trung lập

Lính vớ vẩn.