Cộng sản trung lập

 Hiện nay xu hướng thế giới đã dần hình thành hai cực, tương tự như khối tư bản và xhcn trước đây. Không phải bỗng nhiên mà các nước Bắc Âu như Thuỵ Điển, Phần Lan...có ý định tham gia khối Nato sau nhiều năm trung lập đứng bên ngoài. Một số nước Đông Âu còn ảnh hưởng tàn dư của ý thức hệ cộng sản như Hung, Slovakia bắt đầu có ý tưởng thân Nga và Trung Quốc vì những lợi ích kinh tế.

Tổ chức hợp tác Thượng Hải ( SCO) hình thành với mục đích kinh tế, nhưng dần đã chuyển sang màu sắc quân sự giữa các nước có nền chính trị độc tài như Nga, Trung, Iran, Thổ, Siry, Pakixtan, Apganixtan.... đưa đến sự kiện vũ lực do những nhóm bạo lực vũ trang như Hamas, Houthi tiến hành để chia lửa với Nga ở Ucraina.

Trung Quốc vẫn khôn ngoan hơn cả, họ đã thành công đẩy điểm nóng về Ucraina, Palestin và Yemen. Ngoài ra Trung Quốc gia tăng đầu tư ở Đài Loan, Việt Nam để hạn chế việc Hoa Kỳ biến khu vực biển Đông thành điểm nóng xung đột quân sự, khiến Trung Quốc phải sa lầy.

Người Trung Quốc đang áp dụng thế liên hoành để chống lại thế hợp tung của phương Tây. Nhìn kỹ các nước trên bản đồ thế giới tham gia SCO một vệt từ Trung Quốc đến Syri, Yemen, Thổ ( và có chiều hướng kéo đến tận châu Phi )  thì thấy rõ chiến lược liên hoành của Nga, Trung đang tạo gọng kìm để cô lập châu Âu, ngăn cản châu Âu phát triển ảnh hưởng của mình phía Nam Phi và khu vực Trung Á,  Đông Nam Á.

Châu Âu vốn dĩ đã già cỗi, sau những thời kỳ kiếm chác nguồn lợi từ các nước thuộc địa khi xưa đã lỗi thời, tư bản châu Âu trông cậy vào đầu tư tài chính cũng như công nghệ vào các nước xa xôi để mang lại nguồn lợi. Nhưng sự hợp tác kinh tế mất cảnh giác với Trung Quốc của Đức và Mỹ, đã khiến cho Trung Quốc trỗi dậy thành một nhà đầu tư lớn về tài chính cũng như công nghệ trên thế giới. Người Trung Quốc dễ dàng làm ăn, quan hệ với những quốc gia châu Á vốn chưa quen với nền văn minh dân chủ, ảnh hưởng của chế độ độc tài còn lớn. Ở những nơi đây, thậm chí người dân còn coi chế độ độc tài là một truyền thống chấp nhận được.

Chính sách dân chủ nhân đạo của Phương Tây đã là chỗ hổng yếu để liên minh SCO lợi dụng.  Sau những cuộc di cư ồ ạt của châu Phi, Trung Đông tràn vào Châu Âu là đến cuộc di cư đường bộ ào ào từ Mehico vào Hoa Kỳ. Lượng dân di cư vào Châu Âu của thập kỷ trước đã bắt đầu gây bất ổn về kinh tế, an ninh, chính trị cho các nước châu Âu như Nga và Pháp qua việc biểu tình, ăn trợ cấp xã hội, sinh đẻ nhiều, yêu sách về văn hoá dân tộc...chính vì thế mà đảng AFD ra đời bởi tầng lớp trung lưu Đức vào giữa thập kỷ trước và ngaỳ càng gia tăng ảnh hưởng của mình.

Đảng AFD theo lý thuyết Con Đường Khác Cho Nước Đức, khi làm tổng thống Hoa Kỳ ông Trump cũng đưa ra thuyết Nước Mỹ Trên Hết. Khiến cho quan hệ Châu Âu và Hoa Kỳ kém mặn nồng qua việc ông Trump đặt vấn đề kinh phí đóng góp quân sự với Nato. Kiểu như thân ai người ấy lo.

Nếu nhìn lại chiến sự ở Ucraina và Ixraen, đừng bị cuốn theo ý kiến cho rằng vì Ucaraina thân Nato, vì Ixraen thân Mỹ. Đây là luận điệu của những kẻ thân hoặc thuộc khối Hợp Tác Thượng Hải rêu rao để che đậy mục đích chính của họ là phá hoại và làm suy yếu Tây Âu.

 Sau khi làm suy yếu phương Tây bằng làn sóng di cư, sau cùng với việc  hợp tác đầu tư, hợp tác với nước châu Phi, Nam Á, Trung Á để tạo quan hệ khăng khít đến độ nào đó tin cậy, SCO bắt đầu tạo ra chiến sự khu vực để khiến Tây Âu suy kiệt là điều tất nhiên. Bởi mục đích của hai cường quốc lớn là Nga và Trung lãnh đạo SCO chính là vậy.

Việt Nam không tham gia Tổ Chức Hiệp Ước Thượng Hải ( SCO), chỉ dừng ở mức độ là quan sát viên, một dạng như kiểu dự khuyết. Ngay cả sáng kiến Vành Đai Con Đường ( BRI) dù Trung Quốc hối thúc mạnh, nhưng Việt Nam thể hiện ở mức độ cầm chừng nếu không nói là thận trọng. Việt Nam đồng ý thử nghiệm một vài dự án thuộc BRI và thấy hậu quả thảm hại, đó là tuyến đường sắc Cát Linh- Hà Đông. 

Thế nhưng người Trung Quốc không dùng được cách này, họ sẽ dùng cách khác để gây ảnh hưởng tới Việt Nam. Họ cấp tập thông qua cửa đầu tư FDI vào Việt Nam trực tiếp từ các công ty nội địa hay những công ty có vốn của họ ở nơi khác như Sing, Đài, Hồng Kông, Thái Lan...Việt Nam khó có thể từ chối vì chính sách đầu FDI đã nhiều nước có mặt ở Việt Nam,  nay Trung Quốc góp phần mà từ chối khác gì ra mặt cảnh giác. Hơn nữa dù sao việc đầu tư FDI giữa các công ty, tập đoàn còn dễ xoay sở hơn là hiệp ước giữa các liên minh, giữa các nước với như như SCO, BRI.

Ông Nguyễn Phú Trọng đã ra nghị quyết 02 về xây dựng công đoàn trong tình hình mới, đặt chỉ tiêu doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam từ 25 người trở nên phải có công đoàn. 80% các doanh nghiệp trong vài năm tới phải có công đoàn, và công đoàn trực tiếp ký kết thoả ước lao động tập thể. Mục đích nhằm đòi hỏi điều kiện, chính sách cho người lao động. Tuy nhiên công đoàn sẽ do người của đảng lãnh đạo dù ở doanh nghiệp tư nhân, mục đích cũng nhằm kiểm soát những cuộc biểu tình tập thể tự phát gây ảnh hưởng an ninh trật tự xã hội. Thế nhưng việc chỉ đạo xây dựng công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, thay mặt người lao động để làm việc bảo đảm quyền lợi của người lao động trước các ông chủ FDI đòi hỏi về tiền lương, giờ nghỉ, an toàn lao động...là đáng ghi nhận. Đặc biệt là trước tình trạng doanh nghiệp Trung Quốc tăng tốc độ đầu tư FDI vào Việt Nam.

Trong bối cảnh là nước theo chủ nghĩa Cộng Sản và có quan hệ  lịch sử gắn bó với Nga- Trung. Đứng trước các hiệp ước như Thượng Hải hay sáng kiến Vành Đai Con Đường, Việt Nam không mặn mà tham gia, trái lại còn tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Nhật, Mỹ, Đức và khẳng định đường lối đối ngoại cây tre, hợp tác bất cứ quốc gia nào để đạt được lợi ích ...hình thành thái độ Cộng Sản Trung Lập là điều phù hợp với thực tế.

Tất nhiên có quá nhiều chứng cứ các bạn đưa ra rằng Việt Nam đang là tay sai của Nga, Tàu để phản bác quan điểm bài viết này. Nhưng với quan sát của cá nhân mình, tôi vẫn nghĩ những người lãnh đạo Việt Nam bây giờ dù gánh trên lưng tư tưởng cộng sản và những điều tệ hại do chủ nghĩa này gây ra, nhưng họ vẫn còn đôi chút tỉnh táo để không cuốn theo phe phái mà những người anh em của họ đang tạo ra.

Đừng bận lòng về những tuyên truyền yêu CNXH tha thiết, tình thắm nồng các nước CNXH anh em, chung vai gánh sức của bọn dư luận viên. Tuyên truyền là trụ cột chính của chủ nghĩa cộng sản, tuyên truyền cuồng tín là bản chất cốt lõi với chế độ. Thế nhưng ngày hôm nay, chức trưởng ban tuyên giáo trung ương không còn là uỷ viên bộ chính trị như trước đây.

Nhiều bạn bất ngờ vì những bài viết gần đây có thái độ khác, đặc biệt những bạn muốn xoá bỏ chế độ hiện nay để thay thế bằng chế độ dân chủ như các nước phương Tây. Tôi vẫn chung quan điểm các bạn về những điều tệ hại do thể chế cộng sản này mang lại, như tham nhũng, bè phái lợi ích nhóm hoành hành. Quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội mà ông Hồ Chí Minh lên án thực dân Pháp khi xưa, ngày nay bị chính thể chế ông dựng lên đàn áp còn ác hơn thực dân Pháp. Tình trạng y tế, giáo dục, môi trường, giao thông, pháp luật....đầy rẫy những bất cập, thối nát.

Nhưng với bối cảnh bây giờ khi các nước dân chủ như Tây Âu và Hoa Kỳ còn đang lo đối phó với những vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến đất nước họ. Một cuộc thay đổi thể chế sang dân chủ ở Việt Nam lúc này, cần sự hỗ trợ và tái thiết đất nước sẽ dựa vào nguồn lực nào ?  Chưa kể người Trung Quốc ở ngay bên cạnh, đang có ảnh hưởng mạnh đến tận những nước xa xôi ở Trung Á, Châu Phi và thậm chí cả châu Âu ( như Hung, Ý ). 

Liệu họ có thể dễ dàng để Việt Nam ngon lành đi hướng khác đối nghịch với họ ?


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Khi doanh nhân nói lời vĩnh biệt.

Lính vớ vẩn.