Cách một cây cầu.

Nhà tôi ở ngõ Phất Lộc,  cách con sông Hồng không xa, hồi bé tôi thường đi bộ ra sông bơi. Bên kia sông là đất Gia Lâm với những địa danh như Ngọc Thuỵ, Bồ Đề...chỉ cách nhà tôi một cây cầu.

Vài chục năm trước , thuở đất Gia Lâm bắt đầu nhập nhoạng giữa làng với thành phố, một số nơi người ta còn chưa đổi tên làng thành phường như sau này. Người ta vẫn còn giữ đất trồng rau và lối sống của một làng xã đồng bằng Bắc Bộ.

Năm 1993 tôi có người yêu ở làng Thượng Cát, đến năm 1997 tôi đi tù về, cô ấy đã có người yêu khác. Tôi gặp lại một lần,  hai người ngồi quán cà phê, cô ấy hỏi đúng câu tôi về bao giờ, rồi cứ cúi đầu lặng thinh.  Một lúc lâu im lặng, tôi nói từ tốn rằng tôi biết cô ấy có người khác, đấy là con của một nhà hàng rắn nổi tiếng ở Gia Lâm. Tôi về chỉ gặp chào thôi, còn chuyện cô ấy với người kia, tôi mong cô hạnh phúc.

Tôi không gặp lại cô, thỉnh thoảng tôi vẫn sang bên kia sông chơi với những người bạn cũ, trong đó có anh bạn có cô em rất quý tôi, cô ấy giới thiệu tôi với đám bạn của cô. Cô không biết quá khứ của tôi thế nào, nhà cô làm nghề bán phở. Một hôm tôi ngồi với anh cô ở quán, thì thằng Sâm và thằng Tấn vào quán, thấy tôi chúng ồ lên chào, thăm hỏi tíu tít.

Thằng Sâm và Tấn ở cùng buồng 6-8 với tôi ở Hoả Lò, cô em kia vừa bán hàng vừa nhìn tôi đầy ngạc nhiên pha lẫn vẻ sợ hãi. Rồi sau đó cô dò hỏi thằng Sâm thêm về tôi, thằng đấy lại được dịp huênh hoang kể lể. Tất nhiên tôi chẳng là gì ghê trong tù, nhưng thằng Sâm nó muốn hoành tráng về những gì nó trải qua trong tù, nó biến tấu tôi là một đại ca trong đấy. 

Người bình thường nghe đến tù là sợ hãi, đằng này chứng kiến tận mắt thằng hàng xóm bất trị không biết sợ ai, ra tù vào tội mà thấy tôi thái độ nể phục như thế, tôi là đại ca trong đấy. 

Câu chuyện lan ra, tất cả những bạn của cô đều biết tôi là một kẻ giang hồ vừa ra tù, lại là kẻ có số má trong tù nữa. Rồi có lần cả đám đang ngồi quán phở, ông Hưng Bái cầm bến Cầu Chui phi xe trước cửa hỏi thăm nhà ai, nhìn thấy tôi ngồi trong đó , ông vồn vã hỏi về bao giờ thế,  chiều qua nhà anh chơi nhé. Thế là rõ mười mươi tôi là thằng lưu manh, giang hồ chẳng dấu được.

Cô gái bán phở tên Hương, đám bạn cô ấy là những cô gái hiền lành, hầu hết họ học xong cấp 3 rồi đi làm ở khu công nghiệp Sài Đồng. Ở vùng quê sắp đang chuyển mình sang thành phố như thế, những cô gái đi làm khu công nghiệp là niềm tự hào của mọi nhà, đi làm khu công nghiệp như vậy là tiếp xúc với nền văn minh, có sinh nhật, có hội hè, có những giao lưu như trong những bộ phim Hàn đang chiếu trên truyền hình. Buổi tối khi cơm nước xong, các chàng trai cô gái ngồi quây quần ở nhà nào đó, họ nói chuyện ở công ty, nói chuyện lương thưởng,  việc làm. Những câu chuyện của họ rất yêu đời, thánh thiện. Tôi rất thèm được hoà mình trong họ, nghe những câu chuyện trong sáng như thế. Tôi muốn tránh xa những bạn bè của trước kia để dần dần tìm một  cuộc sống mới.

nguoibuongio Thân phận bị bại lộ,  các bạn ấy nhìn tôi với kiểu e dè hơn,  thế nhưng họ vẫn quý tôi, mọi người bảo nhau là biết thế với nhau, đừng nói với các bậc cha mẹ, anh chị họ, để tôi đến nhà họ chơi được tự nhiên hơn. Mấy cậu con trai được tiếng ngoan và hiền lành, như anh Đàm ở Ngọc Thuỵ, anh làm nhân viên ở một khách sạn 5 sao bên Hà Nội, ở làng đó mọi người đều coi anh là người trẻ tuổi, mẫu mực, có nghề nghiệp ổn định, có chí thú chăm chỉ. Anh Đàm chơi thân với tôi, nhờ đó tôi có tấm bình phong để qua lại mọi nhà bạn khác. Cô Lan người yêu anh ở cách nhà anh không xa, cũng như anh Đàm, họ bảo vệ cho tôi rất khéo, ví dụ như có người lớn hỏi tôi làm gì, học gì là Đàm và Lan đều đỡ lời chuyển sang hướng khác, họ không muốn tôi phải bối rối trả lời, hoặc không muốn tôi phải nói dối các người lớn.

Các cô khác quý tôi, nhưng chẳng ai dám nghĩ chuyện là người yêu tôi cả, tôi cũng biết phận mình, chỉ giữ mức độ bạn bè để qua lại chơi với nhau. Đó là quãng thời gian khá đẹp của tôi.

Thế rồi một hôm, có nhà người bạn xây xong căn nhà mới, mọi người đến ăn tân gia, tôi có uống chút rượu. Thấy mâm trên các cụ ăn xong ngồi uống trà, mang thơ ra bình. Tôi hứng chí ngồi dưới chêm vào một câu, các cụ ồ à hỏi tôi biết về thơ sao. Cái Lan nó kéo áo tôi mắng thầm.

- Say rồi à, biết gì mà nói chen vào các cụ, chết đấy.

Nhưng các cụ cũng say và đang hứng, các cụ gọi bằng được tôi lên ngồi, rót trà rồi luận về thơ.

Thế là tôi chém gió, mặc kệ lũ bạn lườm nguýt ngăn chặn sợ tôi nói gì bị trách. Tôi thao thao diễn giải về đủ các thể loại thất ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn tứ tuyệt, lục bát, sử thi, trường ca rồi đọc cả kèm dẫn chứng từ Đỗ Phủ, Lý Bạch đến Nguyễn Du, Tố Hữu sang đến thơ mới của Thế Lữ, Đoàn Phú Tứ, Hàn Mặc Tử...với những người chuyên thơ thì trình tôi dạng lớp 3. Nhưng ở làng ấý, tôi ngồi trong đám hậu sinh, con cháu mà luận kèm dẫn chứng đến vậy thì tất là đáng nể với các cụ. Các cụ hăng lên, tưởng tôi là nhà trí thức có trình độ, liền đem thơ các cụ làm ra cho tôi nhận xét. Đang đà tôi phán câu này hay câu kia chưa được vần, câu này thay chữ này sẽ thoát ý và bay hơn.

Các cụ trọng vọng tôi lắm, nhiều cụ nghĩ tôi phải là cán bộ văn hoá của thành phố hay của bộ. Họ cứ hỏi tôi công tác đâu, ngành nào, mong tôi đến nhà họ chơi.

Đến đoạn ấy thì bọn bạn tôi phải gỡ bí, bằng cách kéo tôi ra về.

Giữa đường chúng bạn cứ mắng tôi là láo nháo, là tôi biết cái gì mà nói phét tài thế, khiến các cụ tin ghê thế, mai kia các cụ biết ra thì sao, dại mặt.

Đúng là dở thật, cứ mỗi lần tôi sang nhà bạn nào, là ông của bạn ấy lại vời tôi lên nhà giữa, sai con cháu pha trà và đàm luận văn chương, thi ca với tôi. Đã thế con sai con cháu sang nhà nọ, kia mời cụ này, cụ khác sang uống trà cùng nói chuyện vì có anh Hiếu sang chơi.

Bọn bạn tôi như ngồi trên đống lửa, chúng ngồi ngoài hiên hay nhà dưới mà cứ thấp thỏm, lo lắng sợ các cụ biết tôi là người thế nào. Càng ngày chúng càng hoảng khi thấy tôi hết chuyện thơ văn lại sang cả lịch sử ta, tàu, tây rồi tình hình quốc tế. Mỗi lần như thế, chúng nhấp nhổm không yên, cứ tìm cớ đảo lên nhà xem có gì để còn đỡ cho tôi.

 Một ngày chủ nhật, tôi vừa đến làng thì thấy mấy tay du thủ, du thực cũng đang vào làng. Chúng thấy tôi, nhận ra người quen cũng traị giam, chào hỏi thăm nhau, rồi rủ tôi đến nhà một tay vừa mới ra trại cũng ở trong làng. Tôi cáo bận, hẹn lúc khác rồi quay xe về lại bên kia sông.

 Từ ấy tôi không qua làng đó nữa, thỉnh thoảng đám bạn đi qua Hà Nội ghé nhà tôi chơi, tôi kể chuyện vì sao tôi không qua làng nữa. Các bạn của tôi cúi mặt buồn, có bạn gái còn rơm rớm nước mắt. Mấy năm sau, họ đều lấy vợ, lấy chồng. Chúng tôi không gặp nhau nữa.

Có rất nhiều cây cầu tôi đã đi qua trong đời mình, cầu đi qua thung lũng, qua sông, qua eo biển.

Những cũng có nhiều cây cầu vô hình tôi đã đi qua mà không trở lại được, đó là cây cầu thân phận.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Khi doanh nhân nói lời vĩnh biệt.

Cộng sản trung lập

Lính vớ vẩn.