Mưa chiều Berlin

 Hôm nay Berlin mưa từ sáng đến chiều. Thứ mưa tầm tã kèm những cơn gió giật to làm tiếng động trên nóc kho bằng mái tôn kêu xoang xoảng.

Hôm qua đón Nhím ở trường về, trên đường Nhím bỗng hỏi.

- Bố có nhớ mẹ của bố không?

Lặng người một lúc mới trả lời.

- Có, bố có nhớ lắm chứ.

Nhím chép miệng, thở dài như người lớn.

- Đáng tiếc là bố không về thăm mẹ của bố được, Việt Nam người ta không thích bố.

Muốn nói với Nhím rằng không phải người Việt Nam không thích bố, mà chỉ một số người thôi. Nhưng nghĩ Nhím bé quá chẳng hiểu nên thôi, đợi khi nào Nhím lớn sẽ biết.

Nếu mà mình về được thì thế nào nhỉ ?

Mình sẽ về thẳng nhà  một mạch, không tạt ngang ngửa, nhìn thấy mẹ mình ngồi nhìn cửa. Mình sẽ gọi 

-Mẹ ơi, con đây.

Mẹ mình sẽ giật mình, sẽ thoáng bỡ ngỡ rồi bảo.

- Hiếu đấy à con?

Đời mình hai lần đi tù, lần nào về mình cũng đến gặp mẹ trước, mình gọi như vậy và mẹ mình hỏi lại như vậy. Hai lần ấy, lần nào mẹ cũng ngồi ngoài cửa.

Lần thứ 3 này nếu có, chắc cũng vậy.

Chào mẹ xong, mình sẽ lượn quanh hàng xóm chào mấy ông bà già mà hồi bé mình hay nghịch ngợm làm phiền họ. Ra quán nước đầu ngõ, gọi cốc trà đá, xin một bi thuốc lào. Rít một hơi thuốc lào ngửa mặt nhả khói lên trời, chiêu ngụm trà đá, mình bắt đầu ngó nghiêng xem có ai để trêu đùa vài câu.

Sau đó mình sẽ đi tẩm quất ở Quán Thánh, người làm là những thanh niên miền quê, họ đấm bóp thùm thùm, bẻ chân tay, xương khớp kêu răng rắc, thế mới đã. Mình không thích massage mấy em trong phòng lạnh mơn man cơ thể. Cứ phải vặn vẹo nghe tiếng xương kêu mới đã, dù người ta bảo làm thế không tốt.

Tiếp đến mình sẽ ra vườn hoa, nơi có hội cờ tướng. Xem đánh cờ, cứ bên nào yếu thì mình mách nước, vừa mách nước vừa chọc ngoáy cả hai bên, lẫn cả các ông chầu rìa.

Xong xem cờ, mình đi tìm quán bún ốc. Mình ăn bát bún ốc nước thanh, chua và thơm vị dấm bỗng. Bát bún mà mình đi nhiều nơi trên thế giới không có hương vị như thế, bát bún mình ăn chỉ có ốc mít thôi, loại ốc to vừa, giòn nhưng vẫn béo. Nhất định không cho giò, đậu phụ hay thịt bò...vào bát bún.

Ăn xong mình ra chợ Hàng Bè, mua con gà mái lông mượt, ốp sát người. Cái chân của nó nhỏ và bóng mượt dù là màu vàng , đen hay xanh, nhất định phải mượt và bóng. Da mặt nó mỏng, chẳng phải xem lườn béo hay gầy làm gì. Mình mua rươi, thịt băm, thìa là, hành, trứng, rau thơm, khoanh bí xanh. Hàng rươi tự sẽ cho mình mấy mẩu vỏ quýt hôi. 

Làm gà xong cho vào luộc, bí cắt khoanh xào qua chút cho ngấm gia vị, rồi gà chín vớt ra để nguội tí chặt khỏi vỡ da. Nước gà sôi lại cho bí vào. Đánh trứng với thịt băm, thìa là, hành, vỏ quýt cho nhuyễn với gia vị, cuối cùng cho rươi vào khoắng nhẹ. Mỡ sôi ( không thì dầu ăn cũng được) múc từng môi ( muỗng ) hỗn hợp ấy cho vào, vén thành từng khoanh tròn nhỏ mà rán lửa vừa, sao cho chín bên trong mà bên ngoài không bị cháy.

Lúc rán xong chỗ rươi, gà cũng nguội. Mình lấy hai cái đĩa, chặt gà xếp ngược vào một đĩa, xong úp đĩa kia lật ngược lại. Mình có đĩa gà chặt tròn đầy lớp da vàng, rắc tí lá chanh. Rươi rắc ít rau thơm, ràu mùi. Canh bí múc ra bát to rắc tí hành mùi. Một bát nước mắm có ớt và hạt tiêu.

Khi mình nấu cơm, mẹ mình sẽ nhìn mình đầy trìu mến. Như 30 năm hay 40 năm trước mình nấu cơm ở nhà, mẹ mình cũng nhìn mình như vậy.

Mấy chục năm thăm trầm của đời người từ đi học, đi lính, đi làm giang hồ , đi tù , làm ăn rồi ngồi bàn phím gõ chữ thành truyện, được học bổng đi nước ngoài. Từng ấy năm có lúc đói mờ mắt không dậy nổi, có lúc khốn khó ốm đau, có lúc xe sang, đồng hồ xịn,  ngồi nói chuyện với báo chí đầy ngạo nghễ.

Chỉ có lúc nấu ăn là mẹ nhìn mình trìu mến. Có thể lúc đó mẹ mới thấy mình đúng là bản chất thật trong đứa con của mẹ. Không phải là tay giang hồ liều lĩnh, không phải nhà văn được nhiều người thích, không phải đứa có tiền xúng xính xe cộ nghênh ngang.

Hơn nữa giờ mình hiểu, mẹ mình thấy lúc nấu cơm là lúc mình bình an nhất, thảnh thơi nhất. Không có sóng gió của cuộc đời, không có ngục tù, không có lo âu của cơm áo, gạo tiền nặng trĩu trên mặt.

Ăn xong , rửa bát rồi. Mình sẽ hỏi mẹ muốn đến nhà bác Quý hay bác Sính không. Đó là hai bạn của mẹ từ thời mẹ còn 18, 20. Thực sự thì hai bác mất rồi. Nhưng cứ nghĩ hai bác còn sống đi, mình sẽ đưa mẹ mình đến thăm. Sẽ mang theo món quà cho hai bác từ trời Âu. Mình sẽ kể cho hai bác mình ở bên kia cuộc sống tốt lắm, mình có nhà hàng, mình thu nhập tốt, mọi thứ đều tốt cả ( kể cả nói phét thêm ra, mình cũng sẽ nói đại loại như thế).

Đêm về, khi mẹ đã ngủ. Mình lặng lẽ mở cửa và đi bộ ra Hồ Gươm, chỉ cách nhà mình có mấy trăm mét. Đến phố Trần Nguyễn Hãn đầu nối Đinh Tiên Hoàng, mình sẽ ngồi ở vỉa hè ngắm sang đường thấy Hồ Gươm, tiếp đến mình đi ra vườn hoa Lý Thái Tổ, chỗ cái chuồng công trước kia, ngồi ở đó đến khi thấy những người tập thể dục đầu tiên chạy qua. Đây là nơi mà tuổi thơ, mình theo mẹ đi bán dép nhựa rong, chỗ Trần Nguyên Hãn nối Đinh Tiên Hoàng là nơi bán hàng. Còn chỗ chuồng công ở vườn hoa Lý Thái Tổ là chỗ trốn công an bắt hàng rong.

Sau bao nhiêu năm xứ người, nếu trở về Hà Nội, ngày đầu tiên sẽ diễn ra như vậy.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Khi doanh nhân nói lời vĩnh biệt.

Cộng sản trung lập

Lính vớ vẩn.