Ý kiến về bài viết của chị Đặng Bích Phượng.
Hôm nay trên facebook của chị Đặng Bích Phượng, tên mà anh em biểu tình thường gọi là chị Phương Bích, có một bài viết về chuyện những người đấu tranh bị bắt có nên nhờ cậy đến luật sư hay không. Chị Phương Bích cho rằng luật sư không có tác dụng gì với bản án, chỉ nên thuê một người làm việc ra vào tiếp xúc với anh em trong tù, thông tin về sức khoẻ, đời sống trong tù cho người thân bên ngoài cũng là được.
Cuối ý kiến của mình, chị có nói có thể bài viết của chị gây thù chuốc oán với nhiều người, hoặc nhiều người không đồng tình.
Nhiều người lấy ý kiến của Phạm Đoan Trang trong cuốn Chính Trị Bình Dân còm bên dưới stt của chị Phương Bích.
- Sách của phạm đoan trang cũng đã nói rõ vai trò của luật sư trong các án chính trị ở VN không phải để giúp thay đổi bản án cho thân chủ, mà họ có vai trò quan trọng hơn nhiều đó là làm cầu nối giữa thân chủ và gia đình với truyền thông bao gồm cả truyền thông quốc tế, quan tâm giúp cho thân chủ yên tâm hơn không tuyệt vọng, và giám sát không để thân chủ bị tra tấn hoặc bức hại trong tù
Phạm Đoan Trang và chị Phương Bích có điểm cùng với nhau là nhận định vai trò của luật sư ở Việt Nam không giúp gì thay đổi bản án cho thân chủ. Về điểm cầu nối với gia đình và truyền thông bao gồm cả truyền thông quốc tế thì Phạm Đoan Trang cho rằng quan trọng nhất, trong khi chị Phương Bích đánh gía nhẹ hơn là chỉ cần thông tin về đời sống , sức khoẻ cho người thân bên ngoài.
Về điểm khác nhau của chị Phương Bích và Đoan Trang, cá nhân tôi nghĩ rằng cả hai đều đúng ở thời điểm mà họ nói. Những người đem ý kiến của Đoan Trang để phản bác lại quan điểm của chị Phương Bích là hoàn toàn sai lầm.
Cuốn sách Chính Trị Bình Dân được viết xong vào năm 2017, dựa trên những thực tế xảy ra trước đó, đặc biệt là những vụ việc từ những năm 2015 đổ về trước. Thời kỳ 2015 đổ về trước là thời kỳ mà phong trào đấu tranh phát triển mạnh, nhiều hội đoàn, nhiều nhân sĩ trí thức, tổ chức tôn giáo đều hoạt động tích cực. Một vụ bắt giữ người vào thời điểm ấy được nhiều cây viết, nhiều trang mạng, nhiều cơ quan báo chí nước ngoài nhắc đến rất nhiều. Hình ảnh người đấu tranh bị bắt tù trở thành tâm điểm của dư luận. Lúc đó bản kết luận điều tra, cáo trạng được đưa lên trên mạng cho mọi người bình luận, nó là cơ sở để thu hút người viết bình luận và tạo ra làn sóng quan tâm số phận người đấu tranh bị tù và phản đối sự bất công của cơ quan tố tụng nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Nhưng từ năm 2016 trở đi, rất nhiều luật sư đã không đưa cáo trạng, kết luận điều tra lên trên mạng. Họ cho rằng đây là bí mật điều tra. Trong quá trình bào chữa, luật sư được tiếp cận biên bản hỏi cung, được quyền chụp ảnh để về nghiên cứu, tôi đã từng đi cùng luật sư Huỳnh Văn Đông vào trụ sử toà án tối cao với vai trò thợ chụp ảnh do luật sư thuê để chụp những biên bản hỏi cung ( sau này cơ quan điều tra quy định không cho sao chụp, chỉ cho luật sư tiếp xúc ngồi đọc hồ sơ, ghi chép trích dẫn những đoạn cần thiết ).
Tôi có băn khoăn về cái lý do một số luật sư ( được gọi là luật sư nhân quyền ) đưa ra là vì bí mật điều tra nên không công bố. Đây là lý do vớ vẩn, vì khi đã kết luận điều tra rồi, ra cáo trạng rồi thì còn gì mà phải cơ quan an ninh điều tra phải giữ bí mật nữa. Chả lẽ luật sư là đồng chí với an ninh điều tra, nên giữ bí mật để giúp cơ quan điều tra an ninh không phải khó khăn khi đối đầu với dư luận xã hội.
Tôi trước có viết những bài bênh vực những người bị bắt, dựa trên những căn cứ trong bản kết luận điều tra, bản cáo trạng thì bị một luật sư nhân quyền nhắn tin rằng , việc tôi làm thế là bất lợi cho anh ta tại phiên toà khi bào chữa, tức là ảnh hưởng đến người trong tù. Đại khái anh ta cho rằng khi ra toà anh sẽ dùng vấn đề A mà tôi nói ra để phản đối với toà, nếu tôi nói trước thì lộ bài, toà biết được sẽ có cách đối phó với anh ta và thân chủ.
Từ đấy tôi không viết gì về những người bị bắt nữa. Tôi hy vọng các luật sư sẽ có cách nào đó khiến người đấu tranh được mức án nhẹ.
Thế nhưng thực tế từ 2016 đến giờ, dù có đến vài luật sư tham gia bào chữa cho người đấu tranh, mức án tăng từ gấp đôi trở lên. Người tù không thành tâm điểm của xã hội như Đoan Trang viết, bởi không có tư liệu, không có cơ sở thì những người viết sao có thể viết được, hơn nữa viết mà lại bị quy là làm khó, làm lộ bài luật sư nữa. Không có bài viết bình luận thì đương nhiên không thu hút sự quan tâm của dư luận, không thành tâm điểm như Trang viết nữa. Trước đó những vụ như Bùi Thị Minh Hằng, anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh là đỉnh điểm của dư luận đều do những tình tiết vụ án, tiến trình đến đâu được công khai đến đó.
Trong khi đó ở những vụ án phe phái thanh trừng nhau, chúng ta thấy báo chí được công an cung cấp tin chi tiết từng tiến độ điều tra để gây dư luận căm phẫn bị cáo và ủng hộ việc làm của công an dù có những việc không đúng với trình tự pháp luật.
Điều rất trớ trêu là qua nhiều vụ án bào chữa cho người đấu tranh, những người đấu tranh bị kết án nặng và chỉ nhắc đến chút ít là qua. Còn các luật sư qua từng vụ bỗng nhiên trở thành như người hùng, là luật sư nhân quyền, được cơ quan quốc tế này nọ chú ý đến. Nhiều luật sư được kính trọng và ý kiến của họ được trân trọng như là người lãnh đạo phong trào đấu tranh dân chủ. Tất nhiên cũng phải nói trong số các luật sư hiện nay về mảng nhân quyền, có một số người tâm huyết thực sự, nhưng con số đó quá ít ỏi, chỉ đáng để trân trọng họ chứ không đáng để lấy đó làm cơ sở khẳng định thuê luật sư là hiệu quả.
Luật sư trong những vụ án chính trị, chỉ nên đóng vai trò người làm chứng, người chuyển tin. Tức anh có thông tin gì phải cung cấp đầy đủ cho gia đình họ từ tình hình sức khoẻ trong trại giam , tình hình kết luận điều tra, cáo trạng nhận được. Không nên hàm ý khi đưa cáo trangk kết luận điều tra cho thân nhân lại kèm ngầm lời dặn kiểu như giữ kín, đừng đưa ra ngoài kẻo toà ghét nó xử nặng thêm.
Còn nếu anh không làm được điều đó, tốt nhất với lòng tự trọng, anh hãy đừng nhận bào chữa cho người ta. Những việc dấu kín thông tin, tiết lộ những gì công an cho phép như phạm nhân trong tù khoẻ, tinh thần tốt này nọ chỉ khiến tô điểm thêm cho cơ quan an ninh mà thôi. Không những thế người tù không trở thành tâm điểm dư luận, mà chính anh lại trở thành người hùng vì dũng cảm bào chữa cho người đấu tranh.
Những người luật sư can trường thực sự như Lê Trần Luật, Huỳnh Văn Đông, Võ An Đôn, Cù Huy Hà Vũ...đều bị chế độ dùng mọi thủ đoạn hất họ ra khỏi nghề không quá 3 vụ án chính trị.
Với những gia đình có người thân trong tù, tâm lý họ bên ngoài nghĩ làm được gì tốt cho người thân thì cố làm, kiểu như có bệnh vái tứ phương, trông chờ được đâu thì trông. Vì thế họ nhờ đến luật sư, được chút nào hay chút đó, có còn hơn không, dù chẳng được gì cũng không sao. Cách nghĩ này nên thay đổi vì thời điểm lúc này đã khác. Đây là thời điểm mà chế độ muốn kết án thế nào cũng được, có luật sư chỉ tổ trang điểm cho phiên toà của chế độ rằng:
- Bị cáo đã được đảm bảo quyền lợi bào chữa, đã có cho phép luật sư tham gia bào chữa.
Hỡi ôi, bào chữa có mạnh miệng đến mấy mà chỉ ở trong phiên toà đóng khung, ở trong phòng kín thì có ích gì.
Những ý kiến chính xác, đúng đắn luật sư đưa ra trước toà khiến gia đình người bị bắt khâm phục và tin tưởng, nhưng mà toà có cần biết đâu, nói cứ nói , toà xử cứ xử. Xong vụ án này đến vụ án khác, những phản đối của luật sư cũng vào quên lãng và luật sư coi đó cũng là chuyện thường tình.
Nếu phải tôi, tôi sẽ không coi đó là chuyện thường tình. Tôi coi những lời biện hộ của tôi cho thân chủ là quan điểm đúng đắn của tôi bị toà đối xử bất công. Tôi sẽ không nhận vụ án nào khác, mà tôi viết đơn kiện toà án vì đã không coi trọng, xem xét những luận điểm bào chữa của tôi. Khiến tôi bị thiệt hại về danh dự nghề nghiệp, tôi trở thành người bị hại về mặt tinh thần, uy tín nghề nghiệp.
Cuối cùng thì đánh giá lại là những luật sư hiện nay đã không làm được những điều mà Phạm Đoan Trang đã viết, hạ xuống mục tiêu chị Phương Bích nói là chỉ cần thuê một người thông tin về sức khoẻ của người bị bắt, cũng như cáo trạng, kết luận điều tra. Khi ra đến toà chỉ cần bị toà đối xử bất công kiểu ngáng họng vô lý, tuyên bố không bào chữa nữa bỏ ra khỏi toà, làm đơn kiện mình bị đối xử bất công trong khi thực hiện công việc hợp pháp.
Chỉ cần một luật sư thôi là đủ, đông để trấn an người tù ư, để người ta cảm thấy được quan tâm ư?
Là người đấu tranh xuất phát từ tâm, hẳn trong lòng đã có sự dũng cảm hơn người, đâu cần phải được an ủi rằng tôi ra toà có 3, 4 luật sư bào chữa, tôi oai thế ấy.
Hãy làm người dũng cảm đến phút cuối cùng, đấy tôi đấu tranh cho bất công, đến trận chiến cuối cùng là khi tôi ở toà bất công vẫn còn khi luật sư bị toà án xâm phạm uy tín nghề nghiệp, luật sư trở thành người bị hại tại toà mà thủ phạm chính là hội đồng xét xử.
Nhận xét
Đăng nhận xét