Thăm lại nước Mỹ.
Không ai bắt đeo khẩu trang và xét hỏi về tiêm chủng hoặc xét nghiệm covid. Đoàn người nhập cảnh vào Mỹ ở phi trường San Franciso xếp hàng chen chúc ở những ô cửa hải quan. Lúc này đã 18 giờ 30 chiều ngày thứ năm. Người cảnh sát trực ở ô cửa hỏi tôi ở lại Mỹ bao lâu, tôi nói 3 ngày. Anh ta hỏi vé về, tôi mới nhớ ra mình để trong mail. Anh ta dẫn tôi vào một căn phòng giao cho một nữ cảnh sát làm việc. Cô ta bảo tôi lấy xem vé về, tôi nói để trong mail. Cô ta hỏi tôi định ở Mỹ bao lâu, tôi nói chỉ 3 ngày. Cô đưa cuốn hộ chiếu lại và chỉ tôi lối ra theo đường khác.
Trên lối ra tôi gặp một cảnh sát người Việt tên Châu nói giọng miền Nam Việt Nam, anh ta gọi tôi đến soát đồ. Thấy trong đống vali có mỗi bộ quần áo, anh ta hỏi tôi đi bao lâu mà mang mỗi bộ trong vali, tôi nói 3 ngày. Anh ta hỏi tôi đi có việc gì. Tôi trả lời tôi làm việc về tài khoản ở ngân hàng American của tôi bị khoá, tiền chuyển hết về nhà nước Mỹ. Anh ta hỏi tiền tôi có ở đâu, tôi nói đó là tiền nhuận bút do báo trả. Tôi cho anh ta xem thông báo của ngân hàng American.
Nước Mỹ có quy định rằng nếu tài khoản ngân hàng của ai mà trong thời gian nào đó không thấy hoạt động, ngân hàng phải chuyển số tiền đó cho nhà nước giữ.
Anh ta hỏi tôi làm nghề gì, sao sinh ở Việt Nam mà lại mang hộ chiếu Đức và lại làm việc cho báo ở Mỹ. Tôi nói giấy tờ tôi là giấy tờ thật, tiền chuyển vào tài khoản của tôi đã được đóng thuế. Còn việc khác là đời tư của tôi. Nếu anh thấy có vấn đề gì thì tôi sẵn sàng hầu toà, còn lại tôi không muốn nói.
Anh ta ok và để tôi đi.
Buổi tối San Franciso cũng lạnh ở ở Berlin, anh Thuỷ người quen cũ lần trước tôi đã gặp đưa tôi đi ăn bát mỳ vằn thắn rồi về nhà anh ngủ. Nhà anh rộng, nhiều phòng, có hồ bơi và có nhiều cửa ra, như dạng biệt thự.
Sáng sau tôi ra ngân hàng nghe lại thông báo, rồi đi tìm ngần hàng khác để mở tài khoản mới. Thủ tục đòi lại số tiền do nhà nước Mỹ giữ hơi bị nhiêu khê, nó không nhanh như tôi nghĩ. Có thể tôi buộc phải trở lại Mỹ lần nữa vào ngày gần đây.
Thứ bảy và chủ nhật tôi được anh bạn đưa đi lễ nhà thờ và đến thăm khu người Việt.
Ở nhà thờ cha xứ giảng về sự lựa chọn, ngài cũng căn dặn giáo dân đã đến kỳ bầu cử, đây cũng là lúc chúng ta lựa chọn giữa cái sống và cái chết, đó là việc luật phá thai. Rất khéo, không nói rõ những ai cũng hiểu cha xứ nói không nên bỏ phiếu cho phe ủng hộ việc phá thai.
Chiều tôi gặp Nghê Lữ, người làm báo cô đơn, anh là một trong số những người còn nhiệt huyết đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam. Anh đã yếu hơn so với 5 năm trước tôi gặp, nhưng tinh thần vẫn còn sung mãn. Phong trào đấu tranh dân chủ hoặc chống Cộng Sản Việt Nam không còn mạnh mẽ như xưa trên đất Mỹ, trước cửa những trung tâm thương mại người Việt có những quán cà phê, người ta ngồi nhàn nhã tán chuyện như ở Sài Gòn. Chẳng mấy ai trong số họ bàn đến những chuyện bức xúc về chế độ. Có một nhóm biểu tình mang cờ vàng , bắc loa đọc bản tố cáo tội ác của cộng sản VN. Nhóm lèo tèo chỉ có dăm người. Họ đọc nhưng những người đi lại hoặc ngồi cà phê dường như không nghe. Mặc dù thế vài người biểu tình đó đã duy trì mấy trăm buổi biều tình như vậy vào những ngày cuối tuần kể từ khi vụ Formosa.
Lúc ngồi cà phê, có người đàn ông Việt chừng hơn 55 tuổi đến xin tiền ăn cơm chiều. Tôi nói tôi cũng sắp đi ăn, nếu anh muốn tôi mời anh đi cùng luôn. Anh ta lắc đầu rồi bỏ đi. Người Việt ở Mỹ lang thang ngủ bờ bụi và đi xin ăn không phải là chuyện hiếm. Ở Berlin rất hiếm có trường hợp như vậy, ở chợ Đồng Xuân Berlin trung tâm thương mại người Việt lớn nhất Đức chỉ có một ông ngồi xe lăn hay xin tiền, nhưng ông ta xin để đánh bạc trong máy. Thỉnh thoảng ông mới ngồi đầu chợ xin tiền chứ không thường xuyên.
Nhưng trái lại thì ở Mỹ có nhiều người Việt giàu có hơn người Việt ở Đức rất nhiều. Ở Đức chẳng thấy tiệm vàng nào của người Việt, còn ở Mỹ thì nhiều vô kể. Ngay cả những gian hàng người Việt ở Mỹ dù là tiệm ăn, tạp hoá hay thực phẩm cùng đều đồ sộ và đầy ắp phong phú đủ mặt hàng hơn những gian hàng của người Việt ở Đức rất nhiều lần. So sánh về cửa hàng thì cửa hàng của người Việt ở Đức với cửa hàng người Việt bên Mỹ chỉ như chợ quê so với chợ thành phố.
Rất nhiều người Việt sang Mỹ vài năm trở lại đây, đa số họ là những người có tiền của. Gần như hầu hết trong số họ không ai có ý định chống lại chế độ cộng sản Việt Nam cả. Họ đi đi về Việt Nam thường xuyên, mang theo lối sống và phong cách của người Việt Nam sang. Ảnh hưởng của họ ngày càng lan toả trong cộng đồng người Việt tại Mỹ. Còn những người chống cộng sản, những người lính VNCH cũ thì ngày càng già đi. Lớp con chaú của họ sinh và học hành tại Mỹ, lớn lên làm việc như người Mỹ, tiếng Việt nói còn không rõ, lứa trẻ này không quan tâm đến chuyện Việt Nam là điều dễ hiểu. Dù các bậc phụ huynh có nhiệt huyết thế nào đi nữa. Ngay như trong gia đình tôi, Tí Hớn hồi bé còn theo bố đi biểu tình nhiều cuộc, nhưng giờ nó chẳng nhớ và cũng chẳng rõ ở Việt Nam thế nào. Con của ông Ngê Lữ hay con của ông Thuỷ cũng vậy.
Tôi có vài anh em quen biết và cũng đã từng sát cánh đấu tranh lúc ở Việt Nam, giờ họ đang sinh sống tại Mỹ, nhưng nước Mỹ quá rộng lớn và thời gian tôi ở chỉ có 3 ngày. Tôi không có thời gian gặp họ, sáng thứ hai tôi ra sân bay lúc 4 giờ sáng để sang Toronto, Canada thăm Bạch Hồng Quyền.
Ra khỏi nước Mỹ thật dễ dàng, người cảnh sát cửa khẩu thậm chí chẳng thèm nhìn tôi, anh ta quét tấm hộ chiếu một cái rồi trả lại.
Nhận xét
Đăng nhận xét