Đến Canada thăm Bạch Hồng Quyền.
Từ San Franciso đến Toronto ngồi trên máy bay hết 5,5 tiếng. Cộng thời gian ra sân bay đến lúc ra khỏi cửa cũng phải đến 8 tiếng. Thủ tục nhập cảnh vào Canada rất nhanh gọn, người cảnh sát hải quan chỉ liếc cái rồi ghi gì đó trên tờ phiếu khai là cho qua. Đến cửa khác người ta thu cái phiếu đó lại và mình đã bước chân được ra ngoài.
Bạch Hồng Quyền và hai đứa con gái lớn đã đứng chờ, đứa khoảng 11 tuổi, đứa khoảng 6 tuổi.
Trên đường từ sân bay vào thành phố, Quyền gọi cho Nguyễn Minh Nhật hẹn đón cùng đi ăn.
Nhật là một trong nhóm mười mấy thanh niên Công Giáo Vinh bị kết án tù cách đây hơn 10 năm. Mãn hạn tù, bị truy bức khó khăn trong cuộc sống, Nhật cùng vợ trốn sang Thái Lan. Sau đó nhờ sự trợ giúp của đảng Việt Tân, Nhật được đón bảo lãnh sang Canada sinh sống.
Không phải cứ tù nhân chính trị là từ Thái là sẽ được đến Canada. Phải có năm gia đình ở Canada bảo trợ sẽ chu cấp đảm bảo cuộc sống, có đóng tiền baỏ lãnh thế chấp trong ngân hàng, tổng số phải đến vài chục ngàn USD thì mới đủ tiêu chí Canada cấp quy chế cho thường trú. Sau đó mới đến các yếu tố như bất đồng chính kiến, tù nhân lương tâm....hay chuyên gia, thợ có tay nghề. Tiền vé máy bay và tiền chi trả cho luật sư, tổ chức làm giấy tờ , phiên dịch hết tổng khoảng 10 ngàn usd nữa. Như vậy những người tị nạn bên Thái dù nhận được quy chế nhưng nếu muốn đi nhanh sang Canada xác định mất khoảng 50 nghìn USD. Nếu không có tiền, không có người bảo lãnh thì xác định chờ tổ chức của LHQ phân bố đi các nước tiếp nhận. Nhiều nước đã công nhận Việt Nam không có tù nhân chính trị, cho nên họ từ chối hoặc hoạ hoằn lắm mới nhận những trường hợp tù nhân chính trị nhưng dưới mác đi chữa bệnh, lý do tôn giáo và lý do giới tính hoặc kết hôn.
Tổ chức Voice hoặc Việt Tân thường đứng ra làm thủ tục giấy tờ, còn tiền bảo lãnh do gia đình người ta ứng hay các tổ chức này bỏ ra tôi không tìm hiểu rõ. Đó là việc cá nhân của họ và các tổ chức. Nói sơ qua vấn đề cốt lõi là tiền bảo lãnh kia để mọi người hiểu.
Năm trước khi Quyền và và Minh Nhật ở Thái, tôi đã qua thăm một lần. Lúc đó hoàn cảnh họ khó khăn, tôi có chút quà tặng. Lần này gặp lại hai em, họ nhắc lại lần trước đã thăm họ ở Thái Lan. Tôi cười nói trêu.
-Lần này thì chúng mày phải qùa cho tao vì chúng mày ổn định rồi.
Quyền đưa chúng tôi đến một tiệm ăn phở, bún chả, bún đậu mắm tôm. Ăn xong thì đưa chúng tôi về nhà Quyền ở.
Mười mấy năm trước, khoảng năm 2010 tôi gặp Quyền ở nhà thờ Thái Hà. Lúc ấy nhà thờ Thái Hà cấp cho tôi một phòng riêng, việc ăn uống có giáo dân lo. Người lo hậu cần cho tôi lúc ấy là anh Tâm, bố vợ Quyền bây giờ. Tôi ở nhà thờ tổng hợp tin tức và viết bài đưa lên trang giáo xứ với nhiều bút danh khác nhau. Một hôm thầy Tặng dẫn đến một thanh niên trẻ, cao lớn, tóc xoăn và nói với tôi.
- Anh Hiếu nhận thằng này làm đệ tử, dìu dắt nó nhé.
Lúc ấy cuộc đấu tranh giữa nhà thờ Thái Hà và chính quyền rất gay gắt, hàng ngày cần phải có bản tin, bài viết để cung cấp tình hình cho bà con giáo dân ở giáo xứ Thái Hà và nhiều giáo xứ khác để hiệp thông. Tôi giao cho Quyền nhiệm vụ đi thu thập thông tin và hình ảnh mang về cho tôi làm tin, viết bài.
Một đêm đông, đứng từ phòng mình nhìn xuống sân nhà thờ, thấy có bóng người lúi húi dưới chân tượng Đức Mẹ. Tôi nhìn kỹ thì ra Bạch Hồng Quyền đang cất dấu gì đó, cất xong tay chùi mặt như lau nước mắt. Tôi xuống xem thì ra đúng nó và nó vừa khóc xong. Hỏi nó làm gì, mới biết đêm nó đi thu gom những thai nhi ở nơi người ta phá, đem về rửa sạch cất ở hòm lạnh dưới chân tượng Đức Mẹ. Sáng hôm sau sẽ khâm niệm rồi mang đi chôn cất tử tế.
Đêm đã lạnh rồi, biết được câu chuyện còn lạnh người hơn.
Là con gia đình bố mẹ buôn bán, có mình Quyền là con trai. Trước đó Quyền cũng như bao thanh niên khác chơi bời cờ bạc, lô đề các kiểu, chẳng nghề ngỗng làm việc gì. Từ hồi tham gia trong nhóm thu thập hài nhi, Quyền có chút quan tâm đến xã hội hơn. Nó hàng ngày chaỵ đến nhà thờ làm việc nọ, việc kia, bớt hẳn chơi bời. Anh Tâm thì ở luôn cùng tôi lo hậu cần, vợ và con gái anh thường đến thăm chúng tôi. Thế nào Quyền và con gái anh yêu nhau rồi nên vợ nên chồng.
Có nhiều nguy nan và cay đắng, cơ cực mà chúng tôi đã trải qua trong bấy nhiêu năm qua. Khó mà kể hết chi tiết vì còn ảnh hưởng đến sự an nguy của người khác. Nhưng kể nấy giờ cũng để mọi người hiểu tình cảm giữa tôi và Quyền trước kia thế nào khiến tôi phải thăm nó từ Thái Lan đến Canada như vậy. Vì sao một điều, hai điều nó gọi tôi là sư phụ.
Đến Canada 4 năm, vợ chồng Quyền sinh thêm một thằng con trai bụ bẫm. Thế là tổng vợ chồng Quyền có 3 đứa con, mỗi đứa sinh ở một quốc gia. Đứa đầu Việt Nam, đứa thứ hai ở Thái Lan, đứa thứ ba ở Canada. Đứa đầu sinh lúc Quyền trong tù, đứa thứ hai trong lúc trốn tránh bên Thái và đứa thư ba khi vừa đến Canada.
Giờ đây Quyền là một ông bố đầy trách nhiệm và thương yêu con. Nó đã dựng được việc làm khá ổn, công việc sửa chữa nhà luôn tất bật. Nhưng tối về vẫn phụ vợ cho con ăn, tắm rửa, thay quần áo, chơi với con. Khó mà hình dung được một thằng thanh niên lêu lổng cờ bạc năm nào, giờ đã thành một người đàn ông trụ cột chăm sóc gia đình một mực như vậy.
Sáng hôm sau vào ngày thứ ba, Quyền đưa chúng tôi đến một tiệm phở của người quen ăn. Tôi ăn vài đũa thì bỏ. Chủ quán cười mếu máo nói
- Chắc không ra gì, nên ăn bỏ thế kia.
Tôi nói có lẽ vì phở nấu cho người nước ngoài ăn, khác vị nấu cho người Việt Nam. Nên ăn không quen thôi, chứ bán cho người nước ngoài vẫn ok.
Chủ quán nói bán cho người nước ngoài vẫn ok. Tôi nói tối nay sẽ thử nấu xem.
Tối đó tôi nấu nồi phở và mời mọi người ăn. Ai cũng ăn sạch và khen ngon. Quả thực thì tôi ăn cũng thấy ngon thật chứ không phải tự mình khen mình. Sáng hôm sau tôi bảo Quyền mang đến cho nhà chủ quán phở kia mấy bát. Chả biết họ ăn thế nào, nhưng sau đó nằng nặc xin tôi công thức nấu.
Thứ tư chúng tôi ban ngày đi thăm thác Niagara, một thắng cảnh đẹp của Canada. Đến tối chúng tôi đi lễ nhà thờ. Nhà thờ ở đó khá đông giáo dân, nhưng ông Cha xứ người Việt có bài chia sẻ thật chán ngắt. Có lẽ tôi đã quen với những bài chia sẻ hùng hồn, sâu sắc của những Linh Mục ở Việt Nam. Mở đầu ông nói ông có giấc mơ, không phải như giấc mơ của chị Hằng vợ ông Dũng Lò Vôi. Một ví dụ rất chẳng đâu vào đâu đem ra trên Cung Thánh kể, rồi ông nói về đức tin bằng ví dụ ngày xưa ông bị cảm lạnh lúc ở nhà dòng, ông khấn Chúa và sau đó ông khỏi, ông cảm nhận được Chúa hiện hữu và ông tin chắc chắn Chúa đã thương ông.
Rời nhà thờ nhìn thấy hàng trăm giáo dân ra về, tôi thấy tiêng tiếc và ước mơ giá như mấy ông cha tôi quen sẽ được làm lễ tại nơi này.
Ở Canada có vài ngày, tôi không có dịp gặp ai là người đấu tranh, thực sự thì tôi cũng chẳng biết ai ở Toronto mà gặp để tìm hiểu tình hình. Chỉ nghe Quyền kể là nó đang bị một số người đấu tranh lớn tuổi thuộc lứa thuyền nhân khi xưa quy kết nó là an ninh cộng sản cài sang. Tôi bỏ luôn ý định tìm gặp, nó mà được quy thế thì loại như tôi cũng chẳng khác là bao. Gặp gỡ làm gì cho căng thẳng, mục đích của tôi đi cũng chỉ để thăm đàn em cũ chứ không có ý định to tát gì.
Niềm an ủi duy nhất là trước hôm tôi đi, buổi tối có một đôi vợ chồng đến ăn phở. Sau khi ăn hết bát phở anh đưa tôi 200 tiền Canada nói phụ giúp tôi trong việc giúp đỡ tù nhân. Anh nói có đọc tôi nhiều năm và có biết việc tôi giúp đỡ chút ít gia đình những người bất đồng chính kiến đã ở tù.
Sáng thứ năm lúc 3 giờ sáng, Quyền dậy đưa anh Thuỷ ra sân bay về Mỹ. Đến trưa chở tôi ra sân bay về lại Châu Âu. Chúng tôi chia tay đơn giản như không phải 5 năm rồi mới gặp, chúng tôi chia tay kiểu ừ tao về, như năm xưa chào nhau hàng ngày khi về ở nhà thờ Thái Hà.
Canada cũng như Mỹ, ngày càng có nhiều người Việt đến định cư theo dạng du học, việc làm, đầu tư. Đất Canada rộng và người thưa, chính sách chính phủ cũng thoáng, công việc dư thừa. Theo tôi nghĩ là rất dễ sống, không như Châu Âu đất chật người đông. Có một nghề mà hàng bao nhiêu người Việt lao vào làm. Có khi lúc nào đó tôi sẽ nhắm nơi đây làm nơi kiếm sống, chẳng hạn như nấu phở hoặc làm nghề sửa chữa nhà cửa cùng với Quyền.
Thế nhưng tôi sẽ viết vào lúc nào ?
Câu hỏi giữa công cuộc mưu sinh và đam mê chọn cái nào luôn là câu hỏi mà mãi tôi không có cách giải quyết.
Tôi về đến Berlin lúc 9 giờ 25 sáng thứ sáu giờ Berlin. Nửa tiếng sau chuyến bay chở các con tôi từ Việt Nam sẽ hạ cánh. Tôi chờ với con gấu bông cầm trên tay mua ở sân bay Canada làm quà tặng con gái mình.
Nhận xét
Đăng nhận xét