Những vụ án giết người ở Việt Nam.

 Trong vòng một tháng, Việt Nam xảy ra nhiều cái chết khiến người có lương tri phải đau đáu nghĩ ngợi. 3 cái chết của 3 bị can trong vụ Vạn Thịnh Phát và những cái chết vừa hôm qua trong các vụ ghen tuông tình ái. Một nữ thanh niên bị hạ sát bằng dao ở tiệm tóc tại Berlin và một nữ bị súng bắn nhiều phát vào đầu ở nhà nghi phạm là bạn trai mình. Ở Hà Tĩnh một nam sinh 16 tuổi cầm dao đâm chết bạn học cùng trường. Ở thành phố HCM một nam thanh niên 25 tuổi được người dân phát hiện đã chết trên đường Nguyễn Chế Nghĩa do bị dao đâm chém. 13 giờ ngày 25 tháng 10 ở Thủ Đức phát hiện xác của một cô gái trên sông. Sáng ngày 25 ở Đồng Nai phát hiện xác một người đàn ông cháy đen vệ đường xã Hưng Lộc.

Thế giới đâu đó ở những nước văn minh cũng có những cái chết kinh hoàng như xả súng, dùng xe tải lao vào đám đông. Những băng đảng thanh toán nhau bằng súng đạn, người chết cũng không ít. Khi nói đến những cái chết bất thường ở Việt Nam. Nhiều người, nhất là những bạn trẻ thuộc khối đoàn viên ngay tức khắc phản ứng bằng cách lôi những vụ cuồng sát bên thế giới tư bản ra để biện minh rằng

- Ở đâu cũng có giết chóc.

Đúng là ở đâu cũng có giết chóc, phương Tây còn có những vụ ghê sợ hơn như giết trẻ em, giết xong ăn thịt, vác súng vào trường học xả hàng loạt đạn.

 Việt Nam không có những vụ như ghê gớm như thế.

Những vụ thảm sát ở phương Tây do khủng bố thì chẳng nói chuyện làm gì. Những vụ thảm sát khác đều do thần kinh những kẻ gây tội ác có vấn đề, nói cách khách là bị bệnh thần kinh. Người dân phương Tây coi đó như một tai nạn.

Còn các băng đảng thì sao. Các băng đảng không giết người bốc đồng. Chúng phải nói chuyện, thăm dò, đưa ra điều kiện, khi thấy không khuất phục được đối thủ chúng tính toán ra tay. Một người dân bình thường va chạm giao thông với một tay băng đảng hoặc xô xát to tiếng trong quán nhậu. Dù dắt súng trong người và bản chất là sát thủ, tay băng đảng cũng xử sự theo cách kiềm chế cho đúng với tính chất vụ viêc, chứ không rút súng ra nã vào người cãi lộn với mình.

Xã hội đen, băng đảng ở các nước tư bản chẳng xuống tay giết người vì mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống. Chúng ra tay vì địa bàn, mối hàng, thị trường.

Không có băng đảng xã hội đen, nhưng người Việt Nam dễ thấy ở bất cứ thành phố nào, chỉ một cái nhìn hay câu nói là dẫn đến những tốp hàng chục thanh thiếu niên choai choai cầm những cây gậy sắt đầu hàn dao chọc tiết lợn, dao phay, mã tấu như kiểu giáo, mác ngày xưa lao vào đâm chém nhau. Chỉ thiếu mỗi phương thiên hoạ kích chắc do chế tạo mất công. Còn các loại vũ khí như gươm giáo, mác không khác gì thời trung cổ.

Ngày 23 tháng 10 ở thị xã Tân Uyên,Thủ Dầu Một. Nhóm Tiểủ Hổ trên facebook đa số là thành viên đồng hương Cà Mau đã mâu thuẫn nội bộ, đã mang dao tự chế như trên giải quyết mâu thuẫn và một thanh niên tên Kha đã bị đâm thủng ngực tử vong. Trước đó ngày 14 tháng 10 cũng tại Tân Uyên trong quán nhậu hai bàn cạnh nhau xảy ra mâu thuẫn vì bên này bên kia nhậu lớn tiếng. Xô xát xảy ra, hai người ở một nhóm ngã xuống đất trong lúc xô xát, người của nhóm bên kia sau khi đá nhiều nhát vào đầu thì vác đá đập thẳng nhiều nhát vào đầu hai kẻ nằm đến phọt óc mới bỏ đi.

Còn vô số vụ cãi vã vì chơi bài, nhậu, vì hàng xóm tức nhau, va chạm giao thông mà dẫn đến giết người ở Việt Nam.

Thế nên nếu cứ so sánh ở nước khác cũng giết nhau để tự an ủi người dân mình là một điều sai lầm. 

Nếu máu sát nhân trong những kẻ giết người ở phương Tây thường nằm trong băng đảng xã hội đen và những kẻ tâm thần. Thì máu sát nhân của những kẻ giết người ở Việt Nam có thể nằm trong bất cứ ai. Có thể là một sinh viên hiền lành chưa hề phạm tội, một ông chú bác ở quê thuần nông, một nhân viên văn phòng, một anh xe ôm.

Đối tượng bị giết có thể là hàng xóm, là đồng nghiệp, là người không quen biết ở bàn nhậu bên cạnh hoặc trên đường đi. Lý do chỉ là cái nhìn, chỉ là câu nói, hay vài hành động ngứa mắt gây khó chịu.

Động cơ và thành phần kẻ giết người ở Việt Nam quá khác biệt với phương Tây. Cho nên không thể buông câu bào chữa tuỳ tiện ở đâu cũng có giết người để mọi thứ trôi qua. Cũng không nên cho rằng ngày trước giết nhau cũng đầy vụ như thế vì chưa có mạng xã hội nên ít người biết. Nói như thế là bao biện để tránh không nhìn vào sự thực, sự thực mà có lỗi của rất nhiều thứ mà người ta né tránh không dám thẳng thừng chỉ tên.

Người Việt chúng ta đang bỏ quên sự giáo dục nhân văn. Sự giáo dục này không phải chỉ trông cậy ở nhà trường mà còn ở truyền thông, truyền hình, ở mạng xã hội. Ngày càng hiếm thấy những bài viết trên báo chí, trên mạng xã hội về tình người, về sự nhân văn, về cái gọi là tính lương thiện. Người ta chỉ viết khi về những trường hợp kêu gọi từ thiện. Trên truyền hình dày đặc những chương trình giải trí do những ca sĩ, nghệ sĩ mang đồ hiệu đùa giỡn nhau. Thảng lắm mới có chương trình từ thiện lồng ghép yếú tố chính trị lấy nước mắt người xem trong giây lát chứ không để trong lòng họ sự lắng đọng nào.

Có lẽ mỗi chúng ta khi tham gia mạng xã hội, thay vì tập trung để ý những tin hót như nghệ sĩ này cặp với đại gia kia, ca sĩ kia bị nghi án ngoại tình. Chúng ta nên chèn thêm những tin tức, dành thêm thời gian viết điều gì đó để nuôi dưỡng tâm thức nhân hậu trong mình và trong lòng người đọc.

Cá nhân tôi, khi viết về những chuyện giật gân của chính trường, khi phê phán và chỉ trích chế độ. Tôi vẫn thường cố gắng viết những bài về cuộc sống, về ngọn rau ở vườn bà ngoại, về con ngõ nhỏ bé nơi tôi sinh ra, về bát cháo, bữa cơm hay những ký ức đơn sơ của thời thơ ấu. Viết để mình mềm yếu hơn, viết để mình uỷ mị hơn, viết để thanh tẩy sự hung hãn đã thâm nhập vào mình trong thời trẻ trâu.

Vẫn biết rằng một kẻ giang hồ từng đâm thuê, chém mướn , tù tội có nói gì cũng không thay đổi được sự hung hãn và coi thường tính mạng người khác đang ngày càng lớn ở quê hương. Nhưng nói ra, viết ra làm môt vài bạn đọc đồng cảm và nhẫn nhịn khi gặp chuyện gì trong cuộc sống, đó cũng là điều an ủi cho công sức mình bỏ ra viết.

Berlin, một chiều mưa ảm đạm.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Khi doanh nhân nói lời vĩnh biệt.

Cộng sản trung lập

Lính vớ vẩn.