Mang song tịch

 Một sáng mùa thu, khi ăn xong bán bún dọc mùng của bà Cao, tôi buông câu.

- Có lẽ cháu sang Đức sống thôi bà ạ.

Bà Cao nhếch mép cười, có lẽ bà nghĩ tôi nói đùa. Bà chứng kiến tôi từ bé phá làng, phá xóm rồi đi tù, sau đó về làm cầm đồ, bóng đá, làm biển quảng cáo và hầu như bà thấy tôi liên tục lên nhà chị Chích đánh bạc. Bà Cao cũng làm trong nhà nước nhiều năm, giảm biên chế bà về nhà bán bún. Xí nghiệp bà cũng có người được cử đi nước ngoài, nên bà hiểu suất đi nước ngoài khó thế nào. Do vậy bà nghĩ tôi nói đùa. Ngõ nhà tôi có mấy người đi xuất khẩu lao động bên Đức, ai về cũng hoành tráng cả. Nhất là những năm 90 họ mang về cả chục cái xe mô kích, họ mua nhà, sống ung dung sang chảnh.

Bà không biết tôi dăm năm trở lại lúc đó đã là một người viết blog khá có tiếng ở Việt Nam và đã đôi lần được mời sang Châu Âu giao lưu ở các hội nghị về văn học.

Ở ngõ nhà tôi có vài người biết điều ấy, nhưng tôi thổ lộ với bà Cao, người chẳng biết gì về mạng xã hội.

Bà là một phần của con ngõ này, thổ lộ với bà như thổ lộ với con ngõ. Với tuổi ấu thơ khoét lỗ giữa ngõ chơi bi lồ hay vạch đất đánh đáo. Con ngõ giờ đã lát gạch cứng, chẳng còn những khoảng đất như xưa xửa là xưa, khi mà những con gà hay vịt đi lại nghênh ngang. Gà thì bới đất, vịt thì hì hụp mò cốc sục ăn.

9 năm 6 tháng từ khi rời khỏi Việt Nam, tôi cầm trên tay cuốn hộ chiếu màu đỏ của nước Đức. Tôi đã thành công dân Đức chính thức.

Để mang quốc tịch Đức, nếu ở dạng kết hôn với người Đức thì chỉ cần 3 năm chung sống, có thu nhập, đóng thuế đầy đủ. Nhưng với người đến nước Đức theo dạng hợp pháp khác như đi làm hay đi học thì phải cần đến 8 năm. Trong đó khi nạp đơn xin quốc tịch, bạn phải có 5 năm đóng thuế thu nhập, bảo hiểm đầy đủ. Thời điểm bạn nạp đơn, bạn phải có thu nhập đủ đảm bảo cho bạn và cả gia đình. Đồng thời tiếng Đức của bạn phải đạt dạng B1 và có chứng chỉ vượt qua kỳ thi xét hỏi về lịch sử và chính trị nước Đức.

Không có chạy chọt gì cả, bạn phải tự mình làm hết. Vì đến đoạn cuối cùng người ta sẽ phỏng vấn bạn bằng tiếng Đức về một số thứ. 

Từng ấy thời gian vừa xoay sở có thu nhập đóng thuế và bảo hiểm, nuôi và chăm sóc con cái, vừa học hành mà vẫn viết được bài đó là một khó khăn.

Làm người Đức sẽ không lo đói rét, nếu thất nghiệp bạn sẽ được sở xã hội chu cấp bạn tiền sống một đến hai năm để tìm việc mới. Trong thời gian đó bạn muốn học nghề nào đó, họ sẽ miễn phí cho bạn học nghề. Mức trợ cấp thất nghiệp có khi đến 70% lương tháng mà bạn được nhận mọi khi. Con cái bạn đến trường không phải đóng bất cứ khoản gì, trừ nếu có cuộc dã ngoại thì phải đóng. Mỗi đứa trẻ con ở hợp pháp tại Đức bất kể màu da nào đều được nhà nước mỗi tháng cho 200 euro.

Nếu thất nghiệp lâu quá không tìm được việc làm, sẽ bị chuyển sang ăn xã hội tiền ít hơn, chỉ đảm bảo đủ sống và người ta sẽ gọi bạn đi làm những việc công ích như quét dọn đường phố, lau dọn trường học....

Đến năm 67 tuổi đàn ông mới được về hưu.

Nhiều người Việt ăn xã hội và đi làm lậu, cuộc sống khá dư dả và ung dung. Nhưng với tôi thì chắc chắn đi làm cho đến khi nào không làm được nữa. Mức lương của tôi tháng được 2500 euro thì đóng thuế mất đến 1000 euro. Tôi có những đứa con, chúng có bạn bè. Khi bạn bè chúng hỏi bố làm gì, con tôi sẽ tự hào trả lời bố là nhân viên bán hàng cho công ty PTH.

Nhiều người VN ở Đức chẳng muốn vào quốc tịch. Vì vào quốc tịch chỉ khác với thường trú nhân là đi lại được nhiều nước không cần visa. Còn mọi thứ thì gần như bằng nhau, hơn cái quyền bầu cử thì người Việt ở Đức chẳng cần. Họ cũng chẳng mấy khi đi đâu ngoài các nước trong khối Schgengen và về Việt Nam.

Tôi vào quốc tịch Đức cũng chỉ để đi nhiều nước khỏi phải mất công xin visa, bởi tôi có nhu cầu đi nhiều nơi. Nước Đức không cho song tịch, trừ trường hợp ngoại lệ. Những người bình thường xin vào quốc tịch Đức phải làm giấy xin phép nước họ cho thôi quốc tịch. Khi nào cầm giấy chứng nhận đã cho thôi quốc tịch cũ thì Đức mới xét cho quốc tịch Đức.

Trường hợp của tôi vẫn giữ quốc tịch Việt Nam, tức tôi có 2 hộ chiếu, một Việt, một Đức. Nhiều người Việt khi cầm cuốn hộ chiếu Đức, họ bùi ngùi vì không còn là người Việt Nam trên giấy tờ. Tôi không phải ngậm ngùi như họ, tôi còn quốc tịch Việt Nam dù điều đó sẽ khiến tôi bị phiền phức thêm, nếu tôi về Việt Nam làm gì bị bắt thì Đức không can thiệp được vì tôi vẫn còn là công dân Việt Nam.

Tôi vẫn ước mơ, nếu có ngày trở về, tôi sẽ chìa cuốn hộ chiếu Việt Nam ở cửa hải quan nhập cảnh. Lúc ăn bán bún của bà Cao như hôm nào, tôi vẫn như chưa từng đi đâu khỏi con ngõ ấy.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Khi doanh nhân nói lời vĩnh biệt.

Cộng sản trung lập

Lính vớ vẩn.