Những phiên toà tăm tối.
Nếu Bộ Ngoại Giao, cơ quan an ninh, tuyên huấn và ban chỉ đạo nhân quyền ra rả về công bằng, quyền con người bao nhiêu thì toà án Việt Nam là nơi chính danh bác bỏ những luận điệu ấy bấy nhiêu.
Năm 2011 tôi đang đi dạo ở Hồ Gươm, hai tay đút túi quần thong dong thì bị bốn người an ninh mặc thường phục tống lên xe ô tô , sau đó tôi được đưa về trụ sở an ninh thành phố Hà Nội.
Khi người hỏi cung bắt đầu ghi chép những dòng đầu tiên, tôi hỏi.
- Tôi tội gì mà các ông bắt vào đây?
Người hỏi cung trả lời thản nhiên.
-Rất nhiều người hỏi như anh, phải có gì mới bắt vào đây, chứ không ai bắt người không có tội cả.
Tôi đáp lại.
- Thì không có tội mới hỏi thế, chẳng người vô tội nào bị bắt mà không hỏi vậy.
Chúng tôi cãi qua cãi lại một hồi lâu, tôi vặn vẹo xoáy vào chuyện từ lúc đi dạo bờ hồ rồi bị nhóm người bắt vào, tôi đề nghị trả lời nhóm đó là ai, thuộc đơn vị nào hay là dân. Việc bắt dựa trên căn cứ nào, đơn thư báo cáo, tình huống phạm tội quả tang, nạn nhân , bị hại báo cáo ...hay chuyên án gì.
Chán chê tranh luận, người hỏi cung buông câu.
- Thôi, ai thì còn đôi co cả lý giải, chứ riêng anh thì anh quá hiểu, chúng tôi làm không cần luật. An ninh quốc gia được phép.
Tôi cười thoả mãn với câu trả lời ấy làm anh ta ngạc nhiên, tôi hào hứng đáp.
- Tôi chỉ cần anh xác nhận thế thôi, để làm việc cho tinh thần thoải mái.
Thực ra mục đích của tôi là câu giờ, tôi biết người ta bắt tôi giữa đường chỉ để ngăn chặn hôm đó tôi đi đâu. Nhưng họ sẽ một công đôi việc, bắt rồi tiện thể sẽ khai thác để có thông tin gì họ cần, hoặc chí ít họ đánh giá được đối tượng để có cách đối phó. Bắt như thế thì cùng lắm chỉ tối là về, tuy nhiên họ sẽ tận dụng thời gian để xét hỏi nhiều chuyện. Tốt nhất là giả vờ lôm côm, cãi nhau mấy cái lặt vặt dạo đâù, để họ tốn thời gian không khai thác được mình nhiều.
Vào phần hỏi cung chính, câu đầu anh ta hỏi tôi lý do có mặt tại Hồ Gươm vào lúc 9 giờ 15 phút hôm ấy. Tôi tựa người vào ghế và bắt đầu câu chuyện.
- Hồi tôi đi học lớp 5, cô giáo dạy Hoàng Sa và Trường Sa là hai quần đảo của Việt Nam. Đến năm 2007 tôi đọc báo thì thấy Trung Quốc xây dựng thành phố Tam Sa, chính là hai quần đảo ấy. Tôi..
Người hỏi cung ngắt lời.
- Anh trả lời chính vào câu hỏi.
- Thì tôi đang trả lời lý do mà.
- Anh ra đó biểu tình đúng không? Trên mạng có lời kêu gọi biểu tình Trường Sa- Hoàng Sa xảy ra hôm nay, anh đến để tham gia phải không?
- Không biểu tình gì hết, tôi không biết lời kêu gọi ấy, tôi đi dạo thôi, sáng chủ nhật nghỉ làm đi dạo quanh hồ hít không khí trong lành, biết cái gì mà biểu tình.
-11 lần trước anh đi biểu tình ở đó, lần này bị bắt anh chối là sao?
- Thế ông ghi câu hỏi này vào, nguyên văn như ông nói. Tôi sẽ nhận, tôi sẽ bảo vì cơ quan công an đã có bằng chứng 11 lần trước tôi đi biểu tình, nên tôi không chối được nữa, tôi xin nhận là lần này tôi cũng đi biểu tình như 11 lần trước. Ông ghi đúng thế đi, tôi đồng ý.
- Không cần ghi 11 lần trước, anh cứ nhận lần này là được.
- Thế tôi không nhận, lần này tôi đi dạo. Ông ghi luôn là tôi khai 11 lần trước tôi đi biểu tình, còn lần này tôi nhận tôi đi dạo.
Anh ta không chịu ghi lời khai thành khẩn của tôi về 11 lần trước.
Cứ cãi qua lại như thế thì đến tối, người hỏi cung đọc cho tôi nghe một biên bản xử lý hành chính mà biện pháp là cảnh cáo vì tội gây rối trật tự công cộng. Tôi bảo anh ta lúc làm việc anh có chứng minh được tôi biểu tình đâu, anh chả có lý gì , đưa biên bản đây tôi xem.
Anh ta không đưa, bảo tôi về, tôi bảo phải đưa tôi xem biên bản xử lý. Anh ta bỏ đi.
Tôi đi lòng vòng trong cái trụ sở an ninh Hà Nội mới ra khỏi cổng, như được báo trước, cậu cảnh sát gác cổng quay mặt đi như không thấy tôi, tôi đi ra như là chỗ không người. Lẽ ra thì nếu để tôi về, như các nơi khác người ta sẽ dẫn tôi ra cổng và nói cảnh sát bảo vệ là cho anh này về, có nơi còn ký giấy nữa đằng khác.
Sau cái đận ấy, đầu óc tôi sáng ra nhiều, tôi nghĩ đến đoạn bắt giữ, điều tra còn chẳng cần luật mẹ gì cả, thì làm sao ra toà lại có luật được, luật sư biện hộ mà toà thấy đúng lý nghe được. Từ đó trong hồ sơ của tôi thêm một tiền sự về tội gây rối trật tự công cộng, với lần trước bị bộ công an bắt giam về tội lợi dụng quyền tự do ngôn luận xâm hại lợi ích nhà nước, mấy lần bị an ninh các tỉnh như HCM, Đà Nẵng bắt là thêm mấy tiền sự. Nói như dân gian là tôi tiền sự nhiều hơn tiền mặt.
Từ đó tôi cũng rút ra kết luận là cãi cò cưa ở cơ quan an ninh còn hơn là để họ đưa ra toà rồi mình hy vọng có nhiều người chứng kiến mình cãi.
An ninh có cách hỏi cung rất ác hiểm, tức họ dồn dập hỏi xoaý vào việc nào đó của bạn, bạn dồn sức tập trung chống đỡ các câu hỏi. Bỗng nhiên họ lảng sang việc về người khác. Bạn sẽ thở phào, cảm thấy nguy hiểm của mình đã rời xa, bạn thoải mái hơn khi trả lời về người khác. Đấy là thủ đoạn của họ, khi chưa bắn được bạn thì họ để đấy và nhằm thu thông tin về người khác để họ xử lý.
Ví dụ bạn hôm nọ vào nhà nghỉ với cô bồ. Họ đang hỏi xoáy hôm ấy, giờ ấy có nhân chứng bạn đi vaò nhà nghỉ, cô bồ kia một lúc vào... bạn gân cổ cãi thì họ lại khơi là thằng A bạn mình cũng hay vào nhà nghỉ đó với em B, họ đưa cho bạn xem ảnh và nói bạn biết gì quan hệ của họ.
Lúc đó tâm lý bạn vừa thoát vòng vây thít mình, lại thấy họ có ảnh bằng chứng rõ ràng thằng A đi với em B, mình nhận là biết cũng không sao. Bạn xác nhận ừ chúng nó có quan hệ tình cảm, có đi khách sạn.
An ninh sẽ ghi lời khai của bạn vào. Rồi họ sẽ cho thằng A xem, đấy mày đọc đi, Hiếu Gió nó xác nhận mày với con B đi nhà nghỉ đây này. Thế nó cũng vào đấy nên nó biết đúng không?
Thằng A cay chuyện mình tố, nó gật đầu xác nhận Hiếu Gió có vào nhà nghỉ với em bồ đó.
Kể thế để các bạn biết chuyện cãi nhau với an ninh trong quá trình điều tra không đơn giản, bạn mắc bẫy họ lúc nào không biết.
Lúc ấy tôi xác định nếu ra toà, sẽ không có màn đối đáp lý luận về chính nghĩa với bọn toà án. Cho nên tôi chuẩn bị sẵn ngay từ lúc bị điều tra hỏi cung là những chuyện tầm phào, ví dụ về cờ bạc, về gái gú và những chuyện lôm côm, bát nhaó. Ví dụ bị hỏi vì sao đi đến kia thì tôi trả lời luôn là đi mua bao cao su và bắt họ phải ghi vào biên bản.
Sau này các phiên toà xử người bất đồng chính kiến càng ngày càng tồi tệ hơn. Trước kia họ còn cho một người thân đại diện vào, các cơ quan ngoại giao không được vào phòng xử nhưng có thể theo dõi màn hình trực tiếp ( chậm vài phút để cần người ta vặn nhỏ tiếng không ai nghe thấy) ở phòng bên cạnh phòng xử.
Giờ thì cả các đại sứ quán lẫn người thân đứng ngoài đường hết.
Vì sao mà bây giờ toà án Việt Nam lại đê tiện hơn những năm trước như vậy?
Câu trả lời này thuộc về những tổ chức đấu tranh nhân quyền, những nhân vật trí thức am hiểu tình hình trong nước và quốc tế, những nhà hoạt động về quyền con người, về nhân quyền mà tên tuổi của họ có thời đình đám trong giới đấu tranh dân chủ.
Nhận xét
Đăng nhận xét